Phá hoại di tích và tài sản, cứ theo luật mà xử phạt thật nặng
Việc những du khách người nước ngoài, lần nữa vẽ bậy lên thân tàu Metro số 1 ở TP Hồ Chí Minh cho thấy các biện pháp ngăn chặn vấn nạn toàn cầu này của chúng ta còn nhẹ và chưa phát huy hiệu quả.
Công an TP Hồ Chí Minh đã xác định được hai người nghi vấn là Ilyevsky Sergey (30 tuổi, quốc tịch Cộng hòa Belarus) và một người đi cùng (chưa rõ lai lịch) có hành vi vẽ bậy lên thân tàu Metro số 1.
Đồng thời chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tiếp tục công tác xác minh, truy tìm người đi cùng Sergey, theo dõi công tác nhập cảnh đối với Sergey để mời làm việc, xác minh các nội dung nghi vấn.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, các đoàn tàu Metro ở TP Hồ Chí Minh đã 2 lần bị vẽ bẩn cùng với hình thức như thế này.
Trước đó mấy hôm thì di tích Kỳ Đài của Kinh thành Huế – di sản văn hoá thế giới vẫn đã và đang bị du khách phá hoại bằng cách viết, vẽ bậy, bất chấp việc đơn vị quản lý di sản đã đóng cửa tuyến tham quan, dán bảng cấm cũng như cử bảo vệ tuần tra…
Và đây là lần thứ n, trong suốt mấy chục năm qua các di tích, di sản của nhân loại không chỉ ở Huế mà khắp nơi ở Việt Nam bị xâm hại, phá hoại bởi du khách đến từ trong và ngoài nước trước sự – có thể nói là bất lực của cơ quan chức năng.
Chúng ta đã có Nghị định và Luật, như Khoản 1 Điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, có quy định phạt tiền đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật.
Đồng thời, với hành vi gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 345 Bộ luật Hình sự 2015 với các mức phạt tù từ 6-3 năm và 3-7 năm ngoài phạt tiền tuỳ theo mức độ.
Tuy nhiên, lâu nay, có rất ít trường hợp phá hoại di tích, tài sản tại các điểm du lịch ở Việt Nam bị cơ quan chức năng phạt tiền hoặc phạt tù theo luật.
Trong khi thế giới, đã có không ít “án lệ” như vào năm 2018, một du khách Anh có tên Lee Furlong bị cáo buộc phun sơn viết tên mình lên bức tường ở cổng Tha Phae, địa điểm nổi tiếng ở tỉnh Chiang Mai, Thái Lan.
Du khách này bị buộc tội “phá hoại địa điểm khảo cổ” và đối mặt với án phạt lên tới 10 năm tù giam cùng mức phạt hơn 1 triệu baht (23.500 USD).
Hay năm 2017, một phụ nữ Pháp cũng bị cảnh sát bắt vì viết tên mình lên một trong những cây cột tại đấu trường La Mã nổi tiếng ở thủ đô Rome của nước Ý…
Trong khi chờ du khách và người dân có ý thức và văn minh lên từ giáo dục thì hãy phạt thật nặng, thật nghiêm khắc theo luật để răn đe!
Và tại sao, các điểm tham quan du lịch, không thử thay đổi nội dung các bảng khuyến cáo từ “cấm viết vẽ bậy lên di tích” thành những nội dung khác thú vị và dễ chịu hơn.
Như kiểu những tấm bảng Anh – Việt “Không mang theo gì ngoài những tấm ảnh. Không để lại gì ngoài những dấu chân” đang phát huy hiệu quả rất tốt về mặt khơi gợi ý thức văn minh của du khách ở Vườn Quốc gia Bạch Mã.
HOÀNG VĂN MINH