Hành trình vinh quang của Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam
Vinh quang Việt Nam 2022 – Nhìn lại những gì các cầu thủ bóng đá nữ trải qua, người ta hiểu hơn giá trị từ màu vàng của tấm huy chương SEA Games hay tấm vé dự World Cup… Họ là tấm gương điển hình về khơi dậy khát vọng phát triển đất nước theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức
Ngày 15.5.2023 đánh dấu một trong những sự kiện lịch sử của bóng đá Việt Nam, khi đội tuyển nữ lần thứ tư liên tiếp giành Huy chương Vàng SEA Games. Ở khu vực Đông Nam Á, chưa có đội bóng nào làm được điều đó. Đó cũng là điều – từ thập niên 90 thế kỷ trước – những người đặt nền móng cho bóng đá nữ Việt Nam cũng không thể tưởng tượng được.
Trên hành trình vinh quang của mình – của đội tuyển bóng đá nữ hiện tại nói riêng, của bóng đá nữ Việt Nam nói chung, là những hi sinh khổng lồ. Là những nỗi gian truân, sự nhọc nhằn, là đủ loại cảm xúc như những con sóng, xô đẩy, thử thách bản lĩnh, sự kiên trì của “phận nữ nhi yếu đuối”.
Họ, cũng như nhiều vận động viên ở các môn khác, được gọi là “những cô gái vàng của thể thao Việt Nam”. Để trở thành “vàng”, ai cũng hiểu, họ đã trải qua “những thử thách của lửa” như thế nào.
Đàn ông theo nghiệp bóng đá đã vất vả, phụ nữ chọn con đường thể thao, chọn bóng đá khó khăn gấp bội. Khó khăn từ trong quan niệm, sự cấm đoán từ gia đình, người thân về cuộc chơi của những pha va chạm chát chúa không dành cho con gái. Và cả khi nhận được cái gật đầu, khó khăn khác phải vượt qua chính là bản thân mình.
Theo đuổi sự nghiệp quần đùi áo số là những ngày tháng tập luyện dưới cái nóng khủng khiếp của mùa hè, giữa tiết trời cắt da, cắt thịt của mùa đông; là những chuyến ruổi rong thi đấu xa nhà dài ngày, có khi cả những ngày lễ, Tết cũng không được sum vầy cùng người thân…
Giữa một tập thể đông đấy, nhưng nhiều lúc rơi vào trạng thái đơn độc, buồn muốn khóc mỗi khi nhớ nhà. Họ mạnh mẽ trên sân, nhưng yếu đuối, mau nước mắt khi trở lại là người con gái Việt Nam tình cảm, giàu cảm xúc. Bên cạnh họ lúc đó chỉ có những người thầy, người cô trong ban huấn luyện, chỉ có những đồng đội cùng sẻ chia.
Nhưng ngay cả vậy, vẫn có khó khăn khác về cảm xúc, khi phải đối diện với những ánh nhìn dị nghị, những lời phán xét trong câu chuyện tính cách, cá tính, chuyện tâm, sinh lí tế nhị của họ.
Vẫn biết rằng, so sánh chỉ mang tính tương đối và đôi khi là không nên, nhưng không thể không thấy sự thiệt thòi các cầu thủ nữ phải chịu. Họ không có giải vô địch quốc gia với đông đảo các đội bóng để thi đấu thường xuyên hơn. Mối quan tâm cho bóng đá nữ không đủ nhiều, để các giải đấu trong nước chỉ giống như nỗ lực duy trì sự tồn tại hơn là tìm đường hướng phát triển.
Nói đến những con số (tiền thưởng) sau mỗi trận thắng, sau mỗi giải đấu, lại càng chạnh lòng hơn, khi vẫn quá nhỏ bé so với bóng đá nam. Mà trong khi tuyển nữ có đến 8 lần vô địch SEA Games, đồng thời lần đầu tiên giành vé dự World Cup.
Khó có thể nói hết cảm xúc khi thấy các cầu thủ thể hiện sự vui mừng, hạnh phúc khi được thông báo về số tiền thưởng được nhận sau những lần vô địch. Họ biết rằng, đó là sự ghi nhận cho những gì đã nỗ lực và cống hiến, cho những gì phải trải qua trên một hành trình gian nan.
Vinh quang thuộc về họ
Thể thao Việt Nam nói chung, bóng đá Việt Nam nói riêng, chưa bước đến một đẳng cấp để các vận động viên có thể nhận được những khoản lương, thưởng hậu hĩnh từ câu lạc bộ – nơi họ kí hợp đồng chuyên nghiệp. Vì thế, họ biết rằng, khoản tiền thưởng được chia sẽ giúp trang trải phần nào cuộc sống cho gia đình, cho người thân, cho chính mình, khi không phải ai cũng sinh ra trong gia đình có điều kiện.
Không thể quên họ đã vượt qua cái nắng, cái gió, chiến thắng mọi áp lực để thi đấu trong lúc cả nước đang đón Tết và mang về tấm vé dự World Cup.
Không thể không nhắc đến sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các “chị cả” như Thùy Trang (34 tuổi), Huỳnh Như (31) – cầu thủ nữ đầu tiên của Việt Nam ra nước ngoài thi đấu, Thu Thảo (30), Tuyết Dung, Kim Thanh, Bích Thùy (29), Hoàng Thị Loan, Dương Thị Vân, Thái Thị Thảo, Mỹ Anh, Hải Yến (28) đã nỗ lực thế nào để phát triển bản thân, dìu dắt thế hệ đàn em như Vạn Sự (22), Thanh Nhã, Hải Linh (21), Vũ Thị Hoa (19).
Và cuối cùng, không thể không nhắc đến Huấn luyện viên Mai Đức Chung – người cha thứ hai của nhiều thế hệ cầu thủ đội tuyển nữ quốc gia. Gắn bó với bóng đá nữ từ năm 1997 – thời điểm Đội tuyển nữ Việt Nam có trận đấu chính thức đầu tiên sau 7 năm thành lập.
Không ai khác ngoài thầy Chung, người đã chứng kiến sự phát triển của bóng đá nữ Việt Nam, hiểu sâu sắc nhất việc phía sau giá trị của tấm huy chương, tấm vé dự World Cup là những gì phải đánh đổi…
Khó khăn vẫn còn nhiều, nhưng đội tuyển bóng đá nữ quốc gia là hình ảnh đại diện cho truyền thống “kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam.
Vinh quang dành cho họ!
Ban Huấn luyện và Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia là 1 trong số 5 tập thể sẽ được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2023.
TAM NGUYÊN/laodong.vn