Dành nguồn lực tốt nhất giai đoạn cao điểm ôn thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ – Sau hoàn thành chương trình lớp 12, các trường THPT bước vào giai đoạn cao điểm ôn thi để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Cô trò Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình).
Cô trò Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình).

Nhà trường tăng tốc

Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) đã xây dựng kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2023, trong đó có chi tiết phân công giảng dạy; nhiệm vụ của lãnh đạo nhà trường, tổ nhóm chuyên môn, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, học sinh và cha mẹ học sinh trong tổ chức thực hiện.

Thầy Hiệu trưởng Trịnh Nguyễn Thi Bằng cho biết, nhà trường bắt đầu giai đoạn cao điểm ôn thi tốt nghiệp THPT từ 20/4 đến 17/6 với 40 tiết cho mỗi môn Toán, Ngữ văn; 32 tiết cho mỗi môn Lịch sử, Vật lí, Hóa học và 24 tiết với môn Giáo dục công dân.

Hiện ôn tập môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh có 9 lớp/môn với tổng số 353 học sinh; ôn tập môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân: 8 lớp/môn, tổng số 241 học sinh; ôn tập Vật lí, Hóa học, Sinh học: 3 lớp/môn, tổng số 112 học sinh.

Theo thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, việc ôn tập được xác định theo chương hoặc theo chủ đề, xây dựng hệ thống chuyên đề ôn tập phù hợp từng nhóm đối tượng học sinh. Học sinh có học lực trung bình, yêu cầu là các em nắm được cơ bản chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, chú trọng kiểm tra việc học bài, ghi nhớ kiến thức của học sinh.

Các nội dung có liên quan đến lớp 10, 11, giáo viên liên hệ ở mức độ vận dụng, vận dụng cao ở đối tượng học sinh có học lực khá, giỏi; mức độ nhận biết, thông hiểu cho đối tượng học sinh còn lại.

Giáo viên thực hiện hệ thống hóa kiến thức cơ bản, trọng tâm, ngắn gọn, dễ nhớ. Tăng cường luyện tập, tăng cường rèn luyện cho học sinh các kỹ năng cần thiết để phân tích đề và giải quyết tốt yêu cầu của đề thi. Nghiên cứu, hướng dẫn và giúp học sinh làm quen với định dạng, cấu trúc của các bộ đề thi năm 2020, 2021, 2022; đặc biệt là đề tham khảo năm 2023.

Năm nay, Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) có 215 học sinh sẽ dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó có 102 học sinh trong đó lựa chọn bài thi Khoa học tự nhiên, 113 học sinh chọn bài thi Khoa học xã hội.

Thầy Hiệu trưởng Trần Văn Hân cho biết, nhà trường tiến hành tăng tiết để các bộ môn hoàn thành nội dung chương trình và kiểm tra đánh giá khối 12 trong tháng 4/2023.

“Trường THPT Mỹ Quý ưu tiên giáo viên có kinh nghiệm để phụ đạo học sinh yếu kém và bồi dưỡng học sinh khá giỏi. Phân công giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh lập kế hoạch ôn tập và có chỉ tiêu điểm, cách thực hiện cho từng môn, bảo đảm mục tiêu của từng học sinh, phù hợp năng lực cá nhân.

Giáo viên chủ nhiệm phối hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn để đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất khen thưởng hàng tuần đối với các học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập hoặc có nhiều tiến bộ”, thầy Trần Văn Hân chia sẻ.

Hoạt động tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp cho học sinh tiến hành từ đầu tháng 5/2023 đến trước khi học sinh thi tốt nghiệp 1 tuần (tuần này dành cho học sinh tự ôn tập, củng cố kiến thức tại nhà).

Giai đoạn này, trường phân bố ôn tập chủ yếu vào buổi sáng. Buổi chiều dành phụ đạo học sinh yếu kém, bảo đảm điều kiện tốt nghiệp và bồi dưỡng nhóm học sinh khá giỏi theo nguyện vọng các môn dùng kết quả thi xét tuyển đại học, cao đẳng.

Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) kết thúc chương trình lớp 12 vào 20/4 và bước vào cao điểm ôn thi tốt nghiệp THPT từ 24/4 đến 22/6. Trong thời gian này, cô Vương Thị Kiều Nga, giáo viên nhà trường cho biết, trường tăng cường quản lý học sinh, liên hệ thường xuyên với phụ huynh để cùng phối hợp tìm giải pháp giúp học sinh ôn tập hiệu quả. Tổng thời lượng ôn giai đoạn cao điểm là 70 buổi, được phân chia hợp lý đối với từng khối lớp

“Dựa trên học lực và kết quả 3 lần thi thử, nhà trường chia khối 12 thành 17 lớp ôn tập, mỗi lớp không quá 20 học sinh. Trong đó có 4 lớp học tổ hợp Khoa học tự nhiên và 13 lớp học tổ hợp Khoa học xã hội.

Đặc biệt có một lớp dành riêng cho học sinh năng lực học tập yếu, được dự báo có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Nhà trường ưu tiên xếp giáo viên cốt cán, giáo viên có kinh nghiệm để dạy ôn tập. Với lớp năng lực học yếu, giáo viên phụ trách không những tốt về chuyên môn và còn năng lực sư phạm tốt, có ảnh hưởng tích cực với học sinh”, cô Vương Thị Kiều Nga cho hay.

Dành nguồn lực tốt nhất giai đoạn cao điểm ôn thi tốt nghiệp THPT ảnh 1
Cô trò Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ).

Cần phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá phù hợp

Để ôn thi tốt nghiệp THPT hiệu quả, 2 chủ thể quan trọng là học sinh và giáo viên. Học sinh có ý thức học nghiêm túc; giáo viên nhiệt tình, có phương pháp phù hợp.

Chia sẻ về phương pháp dạy học, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng cho rằng, giáo viên cần vận dụng linh hoạt các phương pháp ôn tập phù hợp với từng đối tượng học sinh nhằm củng cố, khắc sâu kiến thức trọng tâm, cơ bản.

Đồng thời, hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu, nâng cao khả năng tư duy lo-gic, khả năng vận dụng kiến thức. Hướng dẫn học sinh phương pháp diễn đạt, cách trình bày bài thi đối với bài thi tự luận, phương pháp làm bài trắc nghiệm, kỹ năng tính toán theo môn học, rèn luyện kỹ năng giải quyết đề thi tốt nghiệp THPT của các môn, chỉ rõ sai sót học sinh thường mắc phải khi làm bài,…

Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh dùng sơ đồ tư duy để ghi nhớ kiến thức một cách khoa học và hệ thống, nhất là các môn khoa học xã hội. Cùng với đó, hướng dẫn học sinh phương pháp để ghi nhớ kiến thức, các dấu hiệu nhận biết trong câu hỏi để chọn đáp án đúng đối với môn thi trắc nghiệm.

Cùng với phương pháp dạy học, hoạt động kiểm tra đánh giá cũng quan trọng. Theo thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, cần tăng cường công tác kiểm tra kiến thức, hướng dẫn học sinh luyện tập để nắm kiến thức vững chắc, sâu rộng. Trong quá trình kiểm tra luyện tập cần lồng ghép một số đơn vị kiến thức lớp 10, 11 để học sinh có ý thức ôn tập kiến thức cũ.

Trong quá trình ôn tập, tổ/nhóm chuyên môn chủ động xây dựng phương án kiểm tra, đánh giá đúng năng lực của học sinh theo từng giai đoạn ôn tập. Cho học sinh giải đề thi minh họa, đề thi tốt nghiệp THPT các năm trước đó với áp lực thời gian thật. Giáo viên chấm bài, đánh giá nên chỉ ra cụ thể những lỗi sai thường gặp và hướng dẫn cách khắc phục. Học sinh cũng cần ghi lại các lỗi sai thường mắc phải để điều chỉnh, tránh lặp lại.

Việc xây dựng kế hoạch dự giờ các tiết ôn tập của tổ trưởng/nhóm trưởng để rút kinh nghiệm và chia sẻ các giải pháp cũng là một việc cần làm giúp nâng cao chất lượng ôn tập.