Con dao 2 lưỡi khi lắp lồng sắt chống trộm
Nhiều người dân ở Hà Nội thường không làm lối lên mái và rào kín ban công bằng khung sắt, lưới thép do lo ngại trộm cắp hay trẻ nhỏ rơi xuống. Tuy nhiên, khi xảy ra tình huống cháy nổ sẽ khiến người trong nhà không thể thoát ra. Đặc biệt, lực lượng Phòng cháy chữa cháy, Cứu nạn cứu hộ cũng rất khó tiếp cận để xử lý cũng như cứu nạn.
Lắp lồng sắt để đảm bảo an ninh, chống trộm nhưng cũng rất dễ trở thành con dao 2 lưỡi, bạn đọc Ngô Thanh Thảo (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Người dân họ cũng có cái lý của họ khi lắp lồng sắt. Nhiều trường hợp trộm cắp xảy ra rất nhiều và đôi khi cũng có thể đe dọa tính mạng đến chủ nhà dẫn đến người dân muốn bảo toàn tài sản thì phải củng cố an ninh căn nhà của mình. Tuy nhiên việc này cũng là con dao 2 lưỡi khi xảy ra tình huống cháy nổ sẽ khiến người nhà khó có thể thoát ra cũng như gây khó khăn trong việc dập tắt đám cháy.
Theo tôi cần nên có những chế tài, chính sách pháp luật sửa đổi mới mang tính rắn đe và nặng hơn để giảm thiểu nạn trộm cắp cũng như tội phạm dạng này”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Hà Ngọc Châu (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Những nơi đông dân cư như các đô thị hay khu tập thể đều rất dễ xảy ra nạn trộm cắp. Không đảm bảo an ninh thì người chịu thiệt hại về tài sản sẽ là người dân, nhưng giữ được của cải thì người dân cũng đã đánh cược tính mạng nếu xuất hiện cháy và rất khó khăn để thoát ra khi lắp lồng sắt. Chế tài xử lý tội phạm trộm cắp theo tôi cần phải mạnh tay hơn nữa để xử lý tận gốc những kẻ gian lười lao động. Ngoài ra người dân cũng cần tăng cường lắp đặt camera an ninh để hỗ trợ truy vết các đối tượng phạm tội.
Cơ quan chức năng cũng nên phổ biến, giải thích cho người dân khi tháo rào sắt sẽ giúp thông thoáng, đảm bảo an toàn khi xảy ra cháy. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, hướng dẫn cho người dân cách lắp đặt lối thoát hiểm”.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc lắp lồng, rào sắt không là cách để đảm bảo an toàn tài sản cũng như chống tội phạm trộm cắp hiệu quả.
Lắp lồng, rào sắt không còn là cách để chống trộm cắp phù hợp, bạn đọc Ngô Anh Tuấn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng: “Việc lắp rào sắt chằng chịt khắp ban công không phải là cách ngăn trộm hiệu quả. Hiện nay, đa phần mọi người đều đem tài sản có giá trị hoặc tiền của mình gửi tại các tổ chức tín dụng. Các đồ đạc khác như TV, tủ lạnh hay laptop… cũng chẳng đáng là bao so với lòng tham của tội phạm dạng này và những thứ đó đều có thể kiếm tiền và mua sắm lại. Do đó tôi chọn việc đảm bảo an toàn cho bản thân vẫn là trên hết”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Quang Tú (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Mặc dù nạn trộm cắp vẫn còn nhưng tôi nghĩ thời điểm hiện tại đã không còn lộng hành. Lắp chi chít lồng sắt khắp các ban công, che kín cả lối thoát, không những vậy mà còn lắp thêm song sắt quanh cửa sổ, lối ra vào thì có xảy ra cháy nhà cũng chẳng thể đảm bảo an toàn tính mạng bản thân. Còn người là còn của, nhưng mất người thì sẽ chẳng còn lại được gì”.
Từ những vụ cháy thương tâm chính là bài học cảnh tỉnh cho người dân hiểu được lợi ích của việc thiết kế lối thoát hiểm, bạn đọc Nguyễn Thị Hiền (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Việc lắp lối thoát hiểm cực kỳ quan trọng, cần có tính toán, thiết kế kỹ càng để bảo toàn tính mạng của người dân khi thoát hiểm. Theo đó, có thể thiết kế lối cửa thoát hiểm lên trên nóc nhà hoặc lối đi đằng sau để dễ dàng di chuyển. Mỗi căn nhà đều có một thiết kế riêng, do đó cũng nên tìm đến các đơn vị chức năng, kỹ sư để được tư vấn. Ngoài ra, nên bổ sung những vật dụng hỗ trợ thoát hiểm như cầu thang, đồ bảo hộ… để có thể đảm bảo toàn tốt nhất.
THÁI MẠNH/laodong.vn