Khi phim kỉ lục phòng vé lên ngôi
Ảnh minh họa/INT |
Tại Liên hoan phim quốc tế Đà Nẵng vừa qua, hai giải thưởng danh giá (Đạo diễn xuất sắc, Phim Việt Nam hay nhất) được trao cho Trấn Thành cùng phim “Nhà bà Nữ”. Điều này làm dấy lên dư luận từ giới yêu nghệ thuật thứ Bảy.
Trấn Thành là gương mặt mới của điện ảnh Việt. Hai tác phẩm do anh đầu tư – “Bố già” và “Nhà bà Nữ” – đều đứng đầu phòng vé, không có đối thủ. “Bố già” cũng đã mang lại một số giải thưởng điện ảnh trong nước.
Bản thân “Nhà bà Nữ”, Trấn Thành đứng vai trò đạo diễn kiêm nhà sản xuất, dù doanh thu cao hơn “Bố già” mấy chục tỉ song cũng tạo nhiều dư luận trái chiều. Với người xem nghiêng về yếu tố giải trí, thích sự dễ hiểu, tính “truyền hình”, thậm chí cả “truyền thanh” trong phim điện ảnh, thì phần nhiều hài lòng. Song với người xem đòi hỏi cao về tiêu chí nghệ thuật, thì nhìn nhận “Nhà bà Nữ” mang nhiều yếu tố của web drama.
“Nhà bà Nữ” đoạt thứ hạng cao tại một liên hoan phim quốc tế, đó thực sự là bất ngờ lớn. Bởi liên hoan phim thường đề cao tác phẩm có thông điệp nghệ thuật, cách thể hiện mới mẻ, độc đáo, tính hàn lâm. Tại các liên hoan phim danh giá, những tiêu chí này càng được coi trọng một cách khắt khe.
Bên cạnh niềm vui của ê-kíp thực hiện phim “Nhà bà Nữ”, sẽ có không ít người chạnh lòng. Không chỉ là giới làm phim theo đuổi thứ ngôn ngữ điện ảnh sang trọng, gợi mở, mà ngay cả giới phê bình và khán giả cũng cảm thấy những bất ổn đang tồn tại trong đời sống, trong thị hiếu thẩm mỹ, trong quan niệm về cái đẹp và cách thưởng thức nghệ thuật.
“Nhà bà Nữ”, “Bố già”, “Lật mặt”, “Con Nhót mót chồng”… hay nhiều phim thương mại khác có thể đem lại lợi nhuận cao cho người làm phim. Nhưng sẽ thật buồn nếu coi đó là những đại diện mới của điện ảnh Việt.
Thử làm một phép so sánh “Nhà bà Nữ” với các tác phẩm của điện ảnh Thái Lan, Philippines (thuộc khu vực Đông Nam Á), hay rộng hơn là các bộ phim của Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran được đánh giá cao tại các liên hoan phim quốc tế gần đây, sẽ thấy ngay vị trí của điện ảnh nước nhà như thế nào. Điện ảnh Việt đang tiến lên, hội nhập với thế giới, hay thụt lùi với chính mình đã có? Đáp áp của câu hỏi này không khó chút nào.
Dòng phim thương mại phát triển, đứng ở góc độ thị trường, đó là tín hiệu tốt. Nhưng không vì thế mà bỏ rơi, lãng quên, hay đánh giá thấp những nỗ lực thay đổi, nỗ lực sáng tạo của các nghệ sĩ theo đuổi dòng phim kén khán giả. Phim hay và phim ăn khách là hai khái niệm khác nhau.
Nghệ thuật đại chúng hướng tới đám đông, tới thị hiếu đương thời. Nghệ thuật hàn lâm với ngôn ngữ hàm súc, cô đọng, tính biểu tượng cao. Giữa nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật đại chúng không đối chọi nhau nhưng rõ ràng có khoảng cách. Và cần khoảng cách để phát triển, vươn tới đỉnh cao.
Vũ Anh