U22 Việt Nam giành Huy chương Đồng và hành động cho tương lai
Tuyển U22 Việt Nam kết thúc hành trình tại SEA Games 32 với tấm Huy chương Đồng sau chiến thắng 3-1 trước U22 Myanmar. Dù chiến thắng này được nhiều người nhận định là “sự an ủi” nhưng với các cầu thủ, nó có ý nghĩa riêng.
Quan trọng hơn, từ những gì thể hiện trong trận đấu, có thể thấy sự cố gắng mà không buông bỏ sau thất bại ở bán kết trước U22 Indonesia. Với họ, thái độ thi đấu và cách đứng dậy quan trọng hơn.
Dù vậy, cũng không thể không nói đến vấn đề của U22 Việt Nam tại giải đấu năm nay, để từ đó nhìn về phía trước với những hành động cần thiết.
U22 Việt Nam thất bại trong nhiệm vụ bảo vệ ngôi vị càng khiến những nhận định cho rằng, “2 tấm Huy chương Vàng ở 2 kì SEA Games gần đây không thực sự giá trị” là có cơ sở. Bởi chiến thắng đó phụ thuộc nhiều vào các nhân tố quá tuổi…
Nhưng thôi, khi chê bai, chỉ trích, phán xét, khiến các cầu thủ và huấn luyện viên người Pháp phải chịu nhiều sức ép cũng không thay đổi được quá khứ, câu hỏi đặt ra là, bóng đá trẻ Việt Nam sẽ nhìn về tương lai như thế nào? Chính xác hơn, VFF và các câu lạc bộ cần hành động. Hẳn nhiên, giới mộ điệu sẽ nhắc lại câu chuyện “dừng V.League để nhường chỗ cho SEA Games” và khẳng định việc đó không hiệu quả. Chuyện hoãn cả giải vô địch quốc gia để tập trung cho bóng đá trẻ cần phải được dừng lại ngay lập tức. Vì điều trớ trêu là, tập trung cho giải đấu của các cầu thủ trẻ nhưng thành phần đội tham dự lại hầu hết còn rất ít kinh nghiệm thực chiến tại V.League. Họ có thể từng thi đấu tốt ở một số giải trẻ nhưng không có nghĩa là nhiều kinh nghiệm hơn đối thủ có sự chuẩn bị lâu dài, ổn định và được trao cơ hội ở các câu lạc bộ.
Cũng có những chỉ trích nhằm vào huấn luyện viên Troussier để khẳng định rằng, chiến thuật mà ông xây dựng là không phù hợp. Thực ra, với suy nghĩ về thành tích, ông hoàn toàn có thể tiếp nối phong cách mà người tiền nhiệm Park Hang-seo từng vận dụng để chiều lòng người hâm mộ. Nhưng VFF kí hợp đồng với ông không phải để làm việc đó.
Bóng đá Việt Nam đang cần thay đổi tư duy. Chính những người lên tiếng chỉ trích cũng hiểu điều đó, nhưng sự kiên nhẫn lại quá xa xỉ. Sự đòi hỏi về thành công ngay lập tức tạo nên phản ứng ngược khi kết quả của đội không như ý. Đó là sự không chấp nhận thay đổi, không sẵn sàng đón nhận cái mới trong quá trình tìm hướng đi cho sự nâng tầm của nền bóng đá.
Huấn luyện viên Troussier nói rằng, ông “muốn các cầu thủ thay đổi tư duy” nhưng thực ra, điều đó có thể mở rộng cho mọi bộ phận liên quan đến bóng đá Việt Nam. Thứ nhất, từ khía cạnh đào tạo phải là sự đồng bộ ngay từ các câu lạc bộ, từ đó mở rộng sự lựa chọn cho huấn luyện viên.
Thứ hai, đào tạo ra được một “sản phẩm”, cần có kế hoạch và cách thức để phát huy năng lực của sản phẩm đó thay vì chỉ nghĩ đến việc giữ khư khư như một viên ngọc không muốn để tuột mất. Điều đó khiến họ chỉ là “viên ngọc thô”, chờ đến khi có cơ hội lên đội 1 thì đã ở độ tuổi phát triển chậm lại.
Ngay từ sau giải giao hữu Doha Cup, Huấn luyện viên Troussier đã nói về mong muốn các cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều hơn. Sau đó, cũng có tín hiệu tích cực ở một số câu lạc bộ, nhưng điều đáng nói khác là chính chiến lược gia người Pháp lại gạch tên một số cầu thủ đã thi đấu khá thường xuyên tại V.League.
LÊ VINH/laodong.vn