QUÊ HƯƠNG CỦA BA, NGUỒN CỘI CỦA TÔI

Tản văn

Tác giả: Lê Hữu Thuỷ
Cây cầu khỉ đặc trưng của vùng miền Tây Nam Bộ
    Khi có ai đó hỏi quê tôi ở đâu? Tôi trả lời ngay: ” Tôi gốc dân miền Tây!”
Nhưng thật tình thì tôi được sinh ra ở vùng đất  miền Đông Nam Bộ. Có điều, ba má tôi là người miền Tây chánh cống, ba tôi dân Cần Thơ má tôi người Vĩnh Long nhưng vì chiến tranh nên đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, ba má tôi đã phải lìa bỏ xứ sở ra đi đến vùng đất  Biên Hòa, Đồng Nai lập nghiệp và sinh ra tôi. Tôi lớn lên tại đây rồi đi học, đi làm, đến khi có vợ, có gia đình riêng thì lại chuyển về làm ăn và sinh sống ở đất Sài Gòn cho đến bây giờ.
    Nhưng tôi rất hãnh diện và tự hào về gốc gác quê hương miền Tây của mình. (Hiện tại trong CCCD của tôi vẫn ghi rõ nguyên quán xã Phú hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.)
– Từ khi tôi còn nhỏ Ba tôi thường nói với tôi là: Mình sống ở đây tuy cũng đã lâu, nhưng đây là xứ lạ quê người chứ không phải quê mình, mình là dân gốc miền Tây,  miền Tây mới là quê mình và con phải nhớ không được quên điều này.
– Tôi biết tình yêu của ba  đối với quê hương là rất lớn, rất sâu đậm và có lẽ tình yêu đó đã được ông hun đúc rồi  cố tình truyền sang cho tôi mỗi khi có dịp.
  Bởi vậy, lúc còn sinh tiền cứ mỗi lần nghĩ hè thì tôi lại được ba dẫn về quê, về với những người bà con dòng họ máu mủ ruột thịt của ông về với những người nông dân tay lấm chân bùn nhưng tính tình chơn chất, thật thà, hào sảng, có người đi chân không cả đời không biết đôi dép là gì.
Về với những mái nhà được lợp bằng lá dừa nước đơn sơ, tối đến tù mù với những ngọn đèn dầu leo lét nhưng ấm đậm tình người. Về với vùng quê mà muốn đi từ nhà này sang nhà khác phải lần mò qua những cây cầu khỉ trên vùng đất sông rạch chằng chịt.
Ngôi nhà lá núp bóng dưới hàng cây ăn trái.
   – Tuy tôi là đứa trẻ sống ở miền Đông Nam Bộ nhưng nhờ lúc nhỏ thường xuyên được theo ba về quê tắm sông nên rồi tôi biết lội, biết dãi chài, biết chèo ghe, biết đi cầu khỉ, biết leo dừa, biết móc ngó sen bông súng, biết tát mương bắt tôm càng xanh và dần dần thì tôi biết tất cả những kĩ năng sống của một đứa trẻ vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.
Ba tôi mất cách đây hơn ba mươi năm rồi, mà tới bây giờ tôi vẫn còn rây rức, vẫn còn ân hận và cảm thấy có lỗi với ba chỉ vì không thực hiện được nguyện vọng cuối đời của ông. Chuyện là: Trong những ngày còn nằm trên giường bệnh ông rất khao khát một lần cuối được về quê thăm mồ mã ông bà tổ tiên, được nhìn thấy chợ Mái Dầm một chợ quê mà chỉ họp vào buổi sáng ở đầu vàm, rồi ngồi trên chiếc vỏ lãi đi dọc trên con kinh Thầy Cai, con kinh được xáng cạp đào thẳng tắp, với hai hàng dừa nước , bần ổi , ô môi ven bờ. Nó mang theo dòng nước đục ngầu vì chở nặng phù sa, dòng nước mà ngày xưa ông uống để lớn lên từng ngày, rồi ông được nhìn thấy cánh đồng lúa bao la bát ngát nơi mà ngày xưa ông từng đốt đồng, bắt Chuột bắt Rắn, ông được về với bà con dòng họ ông, với bạn bè nối khố của ông, tôi biết  lúc đó ba tôi nhớ quê hương môt cách da diết.
Cánh đồng lúa chín vàng.
Nhưng nói thật lúc đó kinh tế gia đình tôi còn khó khăn lắm, mà ba tôi thì do ông bị một cơn tai biến nên liệt bán thân không thể tự đi đứng được và khi ấy tôi có hứa với ba sẽ cố gắng thu xếp cho ông được toại nguyện, nhưng vì những lý do khách quan cũng như chủ quan tôi chưa kịp thực hiện  lời hứa với ba thì ba tôi đã không còn nữa!
Kể từ khi ba tôi mất, tình yêu quê hương của ông đã truyền hẳn sang tôi và lúc nào cũng hiện hữu trong tôi, tôi lại tiếp tục hàng năm thay ông làm công việc về thăm và chăm sóc mồ mã ông bà tổ tiên, thăm hai người cô ngoài tám mươi của tôi và những người thân yêu của ông mà tôi từng biết. Tôi nghĩ ba tôi sẽ rất hài lòng khi biết được điều này.
Một sàn nước quê hương.
Mới mười năm trở lại đây thôi, mà bây giờ từ Sài Gòn về đến chợ Mái Dầm đi xe nhà chỉ mất chừng ba giờ đồng hồ thì tới rồi. Bởi vì bây giờ đường lộ rộng hơn, tốt hơn, lại có đường cao tốc Sài Gòn – Trung lương, Mỹ Thuận, có cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, rồi có cả con đường lộ Nam Sông Hậu  mới làm thẳng tấp, chả bù cho thời bao cấp đường lộ xấu lại phải qua hai cái phà nên thường khi tôi đi xe đò từ sáng tới chiều chỉ đến được chợ Cần Thơ. Từ chợ Cần Thơ về Mái Dầm, hay Cái Côn lúc đó không có đường lộ, toàn đi bằng tàu đò, nếu có việc gấp thì phải bao vỏ lải. Vậy nên phải ngủ tạm một đêm  dưới tàu đò Thành Hưng, chạy tuyến Cần Thơ đi Đại Ngãi, tàu này của thằng em con người cô thứ ba của tôi,  tối nào tàu nó cũng phải neo đậu tại bến Ninh Kiều cho mấy người bạn hàng chất hàng hóa lên và khuya đón khách, tàu Thành Hưng chở khoảng trên dưới năm chục người, kẻ ngồi, người treo võng nằm chật khoang tàu, riêng tôi thì thích ngồi trên cabin buồng lái với thằng em họ, vừa là tài công cũng là chủ tàu, cùng những giỏ cần xé hàng hóa chất đầy trên mui. Sáng sớm, đúng năm giờ, con tàu mở dây đõi kéo hồi còi dài rời bến, hùng dũng rẽ sóng tiến ra con sông Bát Sắt (hay còn gọi là Sông Hậu) rồi xuôi theo hướng hạ lưu để về  Đại Ngãi.
Chợ Ngoài vàm.
Sau hai tiếng đồng hồ chạy ngoài sông cái thì về đến vàm Mái Dầm, quê hương nơi chôn nhau, cắt rốn của ba tôi. Bây giờ về quê, tôi thật sự cảm nhận được sự phát triển, sự đổi thay theo từng ngày. Đường lộ được phóng rộng rồi bắt cầu bê tông cho xe chạy, có nhiều nhà máy, nhiều khu công nghiệp lớn, có mạng lưới điện, khắp nơi, chợ và trường học nay được xây kiên cố khang trang.  Đây đó, mọc lên những ngôi biệt thự, nhà tường lớn và đẹp. Đời sống người dân được nâng cao, ăn ngon hơn và mặc đẹp hơn.
Nhưng cũng hơi buồn vì mất đi những hình ảnh đẹp đã ăn sâu vào ký ức tuổi thơ tôi.  Đó là hình ảnh những cô nữ sinh mặc áo dài trắng quần đen tay cầm dép, tay xách cặp chầm chậm lần mò qua xẻo trên câu khỉ đã hoàn toàn biến mất, rồi hình ảnh cô thôn nữ với chiếc áo Bà Ba chèo xuồng trên sông cũng không còn khi phần lớn nhà nào cũng có xe  hai bánh để vi vu trên lộ.
Những chiếc tàu đò ngày nào bây giờ vắng bóng.
Và bây giờ thì hình ảnh những chiếc tàu đò phun khói đen ngược xuôi rẽ sóng ngoài sông cái không còn nữa. Vì đã có đường lộ xe chạy phà phà ai thèm đi đò? Nên tự chủ tàu phải dẹp chuyển lên bờ làm nghề khác.
Góc kỉ niệm.
Quê Hương Miền Tây của ba bây giờ đã thay đổi  nhiều rồi, tiến bộ nhiều rồi ba có biết không? Tôi nghĩ ba tôi sẽ rất vui khi thấy những điều thay đổi tích cực này!
Tôi nhớ tôi có đọc đâu đó câu chuyện ngắn tác giả đã kết luận rất đúng là: “ Phàm làm con người sống ở đời, hạnh phúc nhất là có được quê hương để đi, để về. ”
Bởi có những người khi sinh ra và lớn lên đã không có hoặc không biết đâu là quê hương của mình và cũng có những người biết và có quê hương nhưng họ không thèm nhớ và không thừa nhận đó là quê hương của họ.
Thôi thì mượn hai câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân vậy : “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người.” Cảm ơn Quê Hương Miền Tây đã sinh ra và nuôi ba tôi lớn lên bằng hạt gạo bằng dòng nước ngọt của người, và con cảm ơn ba đã cho con quê hương miền Tây của ba và cả của con nữa chứ phải không ba? Thương lắm! Nhớ lắm! Nhớ đau đáu quê hương của Ba và của tôi.
    Bài:  Lê Hữu Thuỷ
Ảnh : Sưu tầm internet