Bỏ cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi
Đắk Lắk – Việc cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk chuyển đổi mô hình cưỡi sang thân thiện với voi là xu thế tất yếu khi đa phần số lượng loài vật này ở địa phương ngày càng trở nên già yếu, sức lao động sụt giảm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi để bảo vệ loài vật này trước nguy cơ tuyệt chủng không phải đơn giản.
Anh Y Vinh Êung (một nài voi lâu năm ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) – cho biết: “Tôi là nài voi đầu tiên ở địa bàn huyện triển khai mô hình thân thiện với voi. Thực tế, tâm lý khách du lịch vẫn chưa thể bỏ hẳn được tính tò mò, mong muốn đến Đắk Lắk phải được trải nghiệm cảm giác cưỡi trên lưng con voi.
Huyện Lắk còn tổng cộng 11 con voi nhà, trong đó có 8 con khai thác, phục vụ khách du lịch. Tôi là người đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi nhưng thực tế cứ 10 khách là có đến 8 người mong muốn được cưỡi voi và số còn lại thích trải nghiệm mô hình thân thiện với loài vật này. Thực tế, việc chuyển đổi cần phải có thời gian, nguồn lực chứ không phải cứ muốn là được”.
Anh Y Vinh lấy ví dụ: Mỗi nài voi bình quân thu nhập khoảng 25 đến 30 triệu đồng/tháng từ khai thác dịch vụ cưỡi voi. Nếu chuyển đổi sẽ mất một khoản kinh tế rất lớn, khó có thể bù đắp từ nguồn khác vì họ sống dựa vào voi. Nếu cơ quan chức năng của tỉnh muốn bà con chuyển đổi sang mô hình thân thiện với voi thì trước hết phải có sự hỗ trợ cho họ.
“Thực tế, tuổi tác của voi sẽ lớn dần theo năm tháng dẫn đến khả năng lao động sẽ ảnh hưởng nên việc dần chuyển đổi mô hình từ cưỡi sang thân thiện với voi là xu thế tất yếu và không thể khác được.
Việc giảm khai thác sức lao động của voi cũng là cách quan trọng để bảo tồn loài vật này. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm một cách vội vàng được. Mới đây, có một doanh nghiệp ở huyện Buôn Đôn là đơn vị đầu tiên của tỉnh bỏ du lịch cưỡi voi là tín hiệu rất tốt, nhưng mới chỉ mang tính cục bộ. Muốn bảo tồn loài vật này thì phải có sự đồng thuận chuyển đổi của tất cả các nài voi trong cả tỉnh.
Tuy nhiên, căn cứ theo tình hình hiện nay thì việc chuyển đổi sẽ gặp nhiều khó khăn khi thu nhập của các nài voi sẽ giảm sút rất nhiều. Tôi đang kết hợp song song giữa việc cho khách cưỡi voi theo nhu cầu còn ai muốn chụp ảnh, lên rừng thăm, tắm cùng loài vật này cũng sẽ được đáp ứng”, anh Y Vinh nói thêm.
UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt khoản viện trợ hỗ trợ của Tổ chức Động vật châu Á với tổng giá trị hơn 55,4 tỉ đồng, tương đương 2,43 triệu USD để hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Đắk Lắk đang còn 37 con voi nhà và khoảng 80-100 con voi rừng, giảm khoảng 90% so với năm 1980.
BẢO TRUNG/laodong.vn