Tạo môi trường phát triển
Theo TS Hoàng Thu Thảo, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Sư phạm là ngành khoa học về giáo dục và giảng dạy trong trường học. Nhiệm vụ của ngành là đào tạo các thầy giáo, cô giáo, đội ngũ cán bộ giáo dục cho các cơ sở trường học trên cả nước. Ngành tham gia trực tiếp vào sự nghiệp trồng người, sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước, tạo ra những con người có năng lực học tập suốt đời.
Bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, họ đã, đang và sẽ góp phần tạo lập cơ sở khoa học cho xây dựng, hoàn thiện đường lối, cũng như đề xuất phương thức hiệu quả để thực hiện tốt đường lối phát triển đất nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại các trường sư phạm.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, người lao động phải nâng cao năng lực trình độ, tạo ra động lực phát huy giá trị nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này càng đòi hỏi các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phải được nâng cấp về mọi mặt, trong đó có đội ngũ trí thức ngành Sư phạm.
Họ trước hết phải ứng phó kịp thời với xu hướng toàn cầu hóa, hoà nhập mà không hoà tan, thích ứng với cơ chế thị trường. Đồng thời, lấy đó làm động lực để sống tốt bằng nghề nghiệp của mình, giúp đỡ thế hệ sau, truyền lửa yêu nghề, yêu sự sáng tạo…
TS Hoàng Thu Thảo nhận định, đội ngũ trí thức ngành Sư phạm có vai trò quan trọng với mọi quốc gia và chính họ là kho lưu giữ và tiếp nối, phát triển tri thức. Đồng thời, chính họ cũng không tránh khỏi được sự tác động của nền kinh tế thị trường với cả mặt tích cực cũng như mặt tiêu cực của nó.
Theo TS Hoàng Thu Thảo, đội ngũ trí thức ngành Sư phạm thường được coi là lực lượng sản xuất trực tiếp trên các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, triển khai công nghệ dạy học tiên tiến. Đồng thời, qua nghiên cứu, lao động sáng tạo, họ còn tìm tòi, phát minh ra nhiều công trình khoa học góp phần thúc đẩy quá trình giảng dạy của giảng viên cũng như quá trình lĩnh hội tri thức của sinh viên.
Do đó, một môi trường sư phạm với những điều kiện thuận lợi sẽ là nơi ươm mầm cho đội ngũ này phát huy năng lực sáng tạo.
Môi trường giảng dạy và nghiên cứu khoa học dân chủ, tự do sáng tạo, công bằng trong các cơ sở giáo dục sẽ làm cho sự phối hợp trong hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ trí thức ngành Sư phạm trở nên tốt hơn. Chính môi trường dân chủ đó khiến người trí thức được tôn trọng, hoạt động nghề nghiệp được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm.
Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức ngành Sư phạm cũng cần có môi trường cơ sở vật chất và kỹ thuật đầy đủ, hiện đại, góp phần hỗ trợ đắc lực cho hoạt động giảng dạy của người thầy và hoạt động học tập của học trò. Đồng thời, họ cần được động viên, tôn vinh một cách kịp thời, gia tăng niềm tin, niềm tự hào về nghề nghiệp. Thông qua đó mà người trí thức trong ngành Sư phạm nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình trong công việc.
Ảnh minh họa. |
Chính sách đãi ngộ tương xứng
Theo TS Hoàng Thu Thảo, chính sách đãi ngộ của Nhà nước chưa đáp ứng các yêu cầu về điều kiện làm việc của nhà giáo ở nhiều nơi, nhiều cơ sở giáo dục. Bởi vậy, nhiều người có tài lại thường gặp phải rất nhiều khó khăn, một bộ phận thoái chí, ít hy vọng thay đổi hoàn cảnh. Hiện tượng chảy máu chất xám, bạc chất xám diễn ra ở nhiều nơi đối với đội ngũ trí thức ngành Sư phạm.
Cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ và thu hút nhân tài của các địa phương, các trường còn nhiều hạn chế và bất cập. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức ngành Sư phạm còn thiếu, chưa đồng bộ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với trí thức ngành Sư phạm cũng đang thu hút được sự quan tâm của đông đảo thầy giáo, cô giáo và những người làm giáo dục. Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy ngày càng nhiều với chất lượng không ngừng được nâng cao. Từ đó, góp phần đổi mới nội dung chương trình, phương pháp truyền thụ kiến thức… theo hướng hiện đại, cập nhật, học đi đôi với hành, hình thành cho sinh viên có tư duy độc lập, sáng tạo.
Muốn có nguồn nhân lực chất lượng thì đòi hỏi những trí thức ngành Sư phạm cần được quan tâm, đầu tư cả về tài và đức, vừa hồng vừa chuyên. Bằng lao động của mình, đội ngũ trí thức ngành Sư phạm là lực lượng xã hội có khả năng thực hiện tốt và nhanh nhất trong tiếp nhận những giá trị khoa học công nghệ và văn hóa tích cực, tiến bộ, phù hợp với truyền thống của dân tộc. Đồng thời, truyền đạt những tri thức tích cực đó cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước sau này.
Muốn vậy, đội ngũ trí thức ngành Sư phạm phải thực sự là hạt nhân của đổi mới sáng tạo, đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng, tiếp nhận các giá trị truyền thống tốt đẹp đồng thời tiếp thu tinh hoa của các nước ngoài. Thông qua đó, góp phần tạo động lực quyết định cho sự phát triển của xã hội, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng tốt cho đất nước.
Đội ngũ này là lực lượng truyền bá tri thức khoa học. Họ vừa tự làm giàu vốn tri thức của mình, làm giàu thêm tri thức của nhân loại và thiêng liêng hơn cả là họ phải gánh vác trọng trách đào tạo đội ngũ trí thức mới cho xã hội. Đây được xem là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài gắn với thiên chức của đội ngũ trí thức ngành Sư phạm. Bằng các phương pháp đặc thù trong nghề nghiệp của mình, họ đã trao truyền tri thức đến các thành viên của xã hội, tạo ra những công dân chân chính được luật pháp và xã hội thừa nhận.
Phát huy vai trò “nhà sư phạm”
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dần xóa bỏ lao động giản đơn, đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, những người lao động có trình độ chuyên môn nghề nghiệp cao, hiểu biết sâu, rộng về lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Đồng thời, có khả năng tương tác với con người, với các hệ thống máy móc và trí tuệ nhân tạo, kỹ năng sử dụng công nghệ thông minh trên nền tảng Internet.
Đội ngũ trí thức ngành Sư phạm là những người thầy thực hiện hoạt động đào tạo nguồn lực con người chất lượng cao, tạo ra lực lượng lao động đáp ứng được những yêu cầu của thời đại. Điều đó đòi hỏi đội ngũ trí thức ngành Sư phạm phải tự nâng cao trình độ mọi mặt, vận dụng thành thạo những nền tảng, những hình thức đào tạo mới trên nền tảng của cuộc cách mạng để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của mình.
Việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức ngành Sư phạm phụ thuộc vào ý thức và trách nhiệm của chính bản thân mỗi thành viên trong đội ngũ đó. Ngoài chuyên môn đã được đào tạo, họ cần thường xuyên có ý thức nâng cao giáo dục về ý thức trách nhiệm, đạo đức của người trí thức khi hoạt động nghề nghiệp trong ngành Sư phạm.
Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đối với nước ta cần phải đẩy mạnh phát triển đội ngũ nhà giáo theo hướng đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao về chất lượng. Đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp của nhà giáo.
Nhà nước cần có cơ chế, chính sách huy động trí thức, đặc biệt là trí thức đầu ngành, trực tiếp chăm lo và thực hiện việc đào tạo đội ngũ kế cận. Đồng thời tạo cơ hội để trí thức ngành Sư phạm tự nguyện đi đầu truyền bá những tri thức tiến bộ trong xã hội, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ đó vào sản xuất và đời sống.
Thầy giáo Nguyễn Đức Vũ, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế cho rằng: Với đặc thù của hoạt động nghề nghiệp, giảng viên sư phạm trước hết phải có phẩm chất, năng lực của một nhà giáo với các tiêu chuẩn nổi bật về sự tận tụy, tâm huyết với nghề nghiệp. Bên cạnh đó, có kiến thức chuyên môn sâu rộng, ham hiểu biết tri thức mới và không ngừng nâng cao trình độ, có nghiệp vụ sư phạm vững vàng và ảnh hưởng mạnh mẽ tới người học.
Đội ngũ trí thức trong vai trò nhà sư phạm ở nhiều cấp học là yếu tố căn bản quyết định chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực. Trên thực tế, hoạt động giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nhân tài trong thời kỳ đổi mới với sự tham gia rộng rãi và chuyên sâu của đội ngũ trí thức ngành Sư phạm. Họ đã hết lòng truyền đạt tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm và lòng say mê nghề nghiệp, say mê khám phá khoa học cho các học trò và đồng nghiệp trẻ của mình. Họ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bồi đắp nên thế hệ những nhà khoa học kế cận trong lực lượng nghiên cứu cũng như tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao vô cùng cần thiết cho đất nước.
Lao động sư phạm đòi hỏi người thầy giáo cần có những phẩm chất và năng lực đặc biệt. Đó là những yêu cầu khách quan đối với nhân cách của người thầy giáo. Mặt khác nó cũng yêu cầu xã hội phải xác định vị trí và dành cho người thầy giáo những ưu đãi nhất định xứng đáng.