Hội An hồn hậu và thân thiện thế, sao dựng hàng rào hữu hình để thu phí?
Đô thị cổ Hội An là Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO công nhận năm 1999 trên cơ sở tập hợp nhiều công trình kiến trúc, văn hóa ở khu phố cổ. Giá trị thực sự của “di sản sống”, được cộng đồng yêu mến, còn là quần thể các di sản văn hóa phi vật thể, là con người, lối sống, ứng xử của cư dân ở vùng đất này…
Không thể bán vé cho giá trị văn hóa phi vật thể
Nhà báo Nguyễn Đức Sơn (Đà Nẵng), một trong những người tâm huyết trong việc nghiên cứu văn hóa và chữ Hán – Nôm cho biết, đầu năm 2023 Hội An đón chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho không gian và tập tục đón Tết Nguyên tiêu ở phố cổ. Đây là chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể thứ năm của địa phương, gồm các hoạt động làm nghề gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, khai thác yến sào Thanh Châu, và trồng rau Trà Quế.
Không ít người thắc mắc, là tại sao những làng nghề, hoạt động làng nghề này, đều gắn liền với sản phẩm, đồ dùng, vật dụng, thực phẩm cụ thể, hữu hình, mà lại được cấp chứng nhận “di sản văn hóa phi vật thể”? Điều này xảy ra tương tự với như áo dài Huế, Mì Quảng (Quảng Nam), không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…
Theo từ điển Hán – Nôm, “phi” cũng là “không”, nhưng lại khác nghĩa “không” của các từ “bất”, “vô”, “vong”, “phủ”, “mạc”… Từ phi hàm nghĩa không phải là cái đó, không phải là như thế. Phi vật thể, không phải là “không có vật thể”, mà phải hiểu là “không căn cứ vào vật thể”.
Vì vậy, gọi “văn hóa phi vật thể”, là xét đến những biểu hiện, yếu tố, nội dung “không nằm trong cấu trúc vật thể hữu hình của sự việc”. Những công trình, sản phẩm cụ thể có thể cầm nắm được, là hiển thị vật thể, song giá trị văn hóa của thời gian lịch sử và không gian cuộc sống con người lại ẩn chứa phía sau, không hoàn toàn gắn liền với những vật thể đó. Đó chính là các giá trị văn hóa, các giá trị di sản mà những nhà chuyên môn muốn xác nhận. Những giá trị này, có thể nói nằm ngoài vật thể, là hồn phách, tinh hoa, kỹ thuật để chế tác, tạo nên sản phẩm vật thể hữu hình, là thói quen, tập tục sử dụng… Di sản văn hóa phi vật thể, chính là giá trị văn hóa tồn tại phía sau các vật thể như vậy.
Cụ thể, văn hóa phi vật thể ở làng nghề gốm Thanh Hà, chính là trình độ tay nghề chế tạo, kỹ thuật làm gốm của những nghệ nhân, của người dân làng gốm, những giá trị tinh hoa được đúc kết truyền đời qua các thế hệ làm gốm, không phải là những cái hũ, cái bình cụ thể. Song qua những cái bình, cái hũ ấy, người ta thấy được, cảm nhận và hiểu được những chi tiết, hình thái, màu sắc… thể hiện trình độ làm gốm của người thợ gốm Thanh Hà. Đó là di sản văn hóa phi vật thể tồn tại trong sản phẩm gốm Thanh Hà…
Tương tự, di sản văn hóa phi vật thể của quần thể phố cổ Hội An chính là nếp sống, tập tục, lễ nghĩa, các thói quen giao tiếp, ngôn ngữ đời thường… mà cộng đồng người dân Hội An đã lưu truyền với nhau, trong không gian cụ thể của khu vực phố cổ, nơi có các dãy phố, ngôi đền… là công trình vật thể. Tôn vinh, bảo vệ chính giá trị văn hóa tinh thần, thẩm mỹ ẩn chứa sau không gian đời sống văn hóa ấy, chính là bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể.
Nhà báo Nguyễn Đức Sơn cho biết, phải hiểu rõ nghĩa như vậy để lý giải những cảm xúc, sự quý mến của du khách, cộng đồng đã dành cho Hội An xưa nay. Họ đến Hội An, mến yêu vùng đất này tưởng chừng “vô điều kiện”, nhưng thực ra, tình yêu mến đó, cảm giác được thư thái, dễ chịu đó, xuất phát từ chính đời sống của cư dân Hội An, trong không gian thấm đẫm văn hóa bản địa nơi đây.
Dựng rào hay phân luồng để bán vé, để phân biệt du khách với cư dân sẽ đánh mất vẻ tự nhiên, sự hồn hậu, tình cảm của mọi người với Hội An. Việc phân luồng, dựng rào chỉ có thể thực hiện tại các di sản vật thể, là di tích, các công trình kiến trúc cụ thể mà thôi. Không thể dựng rào để bán cái giá trị vô hình là di sản văn hóa phi vật thể được.
Hồn cốt Hội An là con người và sự giao thoa văn hóa
Ông Nguyễn Sự, nguyên lãnh đạo Hội An khẳng định, giá trị lớn nhất của Hội An là những con người sống trong khu đô thị cổ này. Đó là đời sống, sự giao thương, là giao lưu văn hóa với cộng đồng, với cả thế giới. Tiến trình giao lưu đó đã hình thành nên một lối sống riêng có của Hội An, được hình thành từ hơn 400 năm nay. Sự giao lưu rộng mở đó đã hình thành nên các công trình văn hóa, kiến trúc mang dấu ấn Nhật Bản, Trung Hoa và các nước phương tây tại đô thị cổ này. Sự giao lưu ấy đang được kế thừa, tiếp biến.
“Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh trẻ con Tây dừng lại trên phố, trao đổi với bọn trẻ Hội An, cùng đá bóng thả diều trên đường chúng cùng bố mẹ đi du lịch. Cảnh người nước ngoài cưỡi trâu, cuốc ruộng, chèo thuyền thúng, thu hoạch rau… cùng nông dân Hội An. Sự giao lưu ấy luôn yên bình, thân thiện, đầy cảm xúc. Chính những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy đã tạo ra không gian mà du khách muốn lang thang trên phố cổ, dù đôi khi chỉ nhấm nháp ly cà phê, ăn một chén chè trên vỉa hè, chụp dăm bức ảnh tường rêu… Nhưng nếu phân luồng, dựng rào bán vé, thu phí triệt để thì chắc chắn sẽ không còn những hình ảnh đó”, ông Sự phân tích.
Thực tế, du khách không ngại việc bỏ tiền mua vé tham quan. Bằng chứng là họ sẵn sàng bỏ ra 100- 200 ngàn đồng chỉ để sờ lưng, cưỡi lên con trâu, chụp ảnh, hay chạy vài chục cây số đến phố cổ để ngắm hoàng hôn, để uống 1 ly cà phê bên bờ sông Hoài… Nhưng hiện nay, phần lớn du khách, cộng đồng phản ứng việc tăng cường thu phí vừa mới ban hành của chính quyền Hội An là vì phương án chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, dễ làm “tổn thương” đến tình cảm của mọi người dành cho Hội An.