Giáo viên: ‘Thà bỏ việc quyết không bỏ dạy thêm’

(VTC News) – Nhiều giáo viên than lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên buộc phải dạy thêm để tăng thu nhập.

21h30, sau khi học sinh tan ca học thêm tối, cô giáo Huỳnh Ngọc Hoa và chồng tranh thủ quét dọn lớp học thêm. Lớp rộng chừng 40m2 với sĩ số 25 học sinh, diễn ra từ 18h45 đến 21h15 hàng ngày. Hoạt động này được cô tổ chức và duy trì trong suốt 12 năm qua.

Giáo viên: 'Thà bỏ việc quyết không bỏ dạy thêm' - 1

Lương thấp, giáo viên dạy thêm tại nhà để tăng thu nhập. (Ảnh minh hoạ: T.N)

‘Không dạy thêm lấy gì sống’

Cô Ngọc Hoa đang dạy Toán tại một trường THCS trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội. Công tác trong ngành giáo dục 18 năm, nhưng đến nay mức lương của cô nhận được chỉ vỏn vẹn gần 8 triệu đồng/tháng. Mức lương này không đủ chi cho đứa con thứ 2 nhà cô đi học. Đó là lý do cô vẫn luôn cố gắng duy trì lớp dạy thêm mỗi ngày.

Các em trong lớp đa phần là học sinh ở trường. Phụ huynh truyền tai nhau nên lớp học luôn ổn định sĩ số từ 25 – 30 em/buổi. Học phí mỗi buổi chỉ 80.000 đồng/em. Mức học phí này không cao như các lớp học thêm khác (trung bình 100 – 250.000 đồng/em) vì cô Hoa muốn giúp học sinh không có điều kiện vẫn có thể theo học để cải thiện học lực. “Lấy tiền học thêm quá cao vừa làm mất hình ảnh của giáo viên, vừa làm phụ huynh nặng gánh”, cô Hoa chia sẻ.

Thừa nhận bản thân đang làm trái quy định khi trong lớp học thêm có cả học sinh của chính mình, nhưng cô Hoa mong mọi người hiểu và thông cảm cho nghề giáo. Khi xác định theo nghề, thầy cô nào cũng yêu nghề, yêu học trò. Tuy nhiên, chỉ tình yêu thì không đủ để sống, giáo viên cũng cần vượt qua khó khăn của “cơm áo gạo tiền” mới đủ sức nghĩ đến đam mê, cống hiến.

Tôi từng nghĩ thà bỏ việc dạy học chính thức ở trường chứ không bỏ dạy thêm”, cô nói. Nữ giáo viên đề xuất, nhà nước, Bộ GD&ĐT và các bộ ngành cần tính toàn để hợp thức hoá hoạt động dạy thêm học thêm. Thay vì cấm hãy để giáo viên được dạy thêm trên sự giám sát, đảm bảo điều kiện của nhà nước.

“Việc dạy thêm là chính đáng, thực tế phụ huynh cũng có nhu cầu cho con học thêm để củng cố nâng cao kiến thức hơn. Không nên chỉ vì một vài cá nhân làm ảnh hưởng đến danh tiếng của toàn giáo viên, bị gán cho tiếng oan “trù dập học sinh nếu không dạy thêm“, vị giáo viên nói.

Giáo viên: 'Thà bỏ việc quyết không bỏ dạy thêm' - 2

Giáo viên mong quy định việc dạy thêm rõ ràng, thay vì cấm. (Ảnh minh hoạ: T.N)

Nghề khác được tăng ca, tại sao giáo viên lại không?

Một hiệu trưởng trường cấp 2 ở Hà Nội chia sẻ, tại trường bà công tác, đồng nghiệp thâm niên nhất (24 năm) đang hưởng mức lương 10 triệu đồng/tháng. Có giáo viên sinh năm 1986 đi dạy 16 năm rồi hưởng mức lương 5,8 triệu đồng/tháng, còn giáo viên mới ra trường hưởng lương hơn 3 triệu đồng/tháng.

“Mức lương như vậy họ không sao đủ sống, nhất là trong 1, 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều giáo viên trẻ phải dạy thêm, làm thêm ngoài giờ, thậm chí bỏ việc”, vị hiệu trưởng nói. Trong khi với mức thâm niên 10 năm, 20 năm, những người làm việc trong lĩnh vực khác hoàn toàn có thể thu nhập cao hơn nhiều. Chưa kể, giáo viên phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ cấp trên, phụ huynh, học sinh.

Cô Nguyễn Phương Thành, giáo viên dạy Hoá tại một trường THCS ở Bắc Giang đã 21 năm trong nghề chia sẻ, hưởng lương bậc 2, được thăng hạng mấy năm mà tổng thu nhập mới hơn 7 triệu/tháng. Chị có 3 con, đang học từ bậc THCS đến đại học nên thu nhập của cô cộng với chồng không đủ, buộc phải dạy thêm tại nhà bất chấp quy định.

Chỉ khi nhà giáo yên tâm sống được bằng đồng lương, họ mới có thể dồn hết tâm trí vào bài giảng cho học sinh. Với mức lương hiện nay, nhà giáo phải “chân trong, chân ngoài”, “chia 5 xẻ 7” sức lực cũng là điều dễ hiểu.

“Các ngành nghề khác được phép làm thêm, tăng thu nhập như bác sĩ làm thêm ở phòng khám, công nhân tăng ca mà không ai ý kiến, nhưng giáo viên dạy thêm thì bị dư luận, xã hội chỉ trích, lên án”, cô băn khoăn và nói thực tế có cung mới có cầu, nếu cấm dạy thêm đồng nghĩa với việc “dập tắt” một phần kế sinh nhai của giáo viên.

Giáo viên này thừa nhận có tình trạng dạy thêm chui, lôi kéo học sinh vào các lớp học vô hình chung làm mất đi hình ảnh cao quý của nghề giáo, nhưng đó chỉ là bộ phận nhỏ. Cần công bằng đánh giá tác dụng của dạy thêm của những lớp học thực chất với học sinh thế nào. Học sinh thực sự có nhu cầu, mong muốn đi học thêm thì không phải là xấu và không đáng bị lên án như vậy.

Giáo viên: 'Thà bỏ việc quyết không bỏ dạy thêm' - 3

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) nêu vấn đề, ngành y được làm thêm mà giáo dục không được làm thêm là bất hợp lý. Thậm chí có địa phương còn tổ chức mật phục bắt quả tang giáo viên dạy thêm, cách ứng xử với các nhà giáo như vậy không phù hợp…

“Tôi đồng tình với Bộ GD&ĐT phải cấm dạy thêm, nhưng nếu chỉ cấm thì chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề”, ông nói.

Từ trước đến nay, chúng ta tiếp cận vấn đề dạy thêm như một vấn nạn của xã hội và xử lý theo cách là cấm. Đây là tư duy cũ, cái gì không quản được thì cấm.

Ông Long đề nghị Bộ GD&ĐT, các bộ ngành cần đánh giá lại tác dụng của dạy thêm trong đời sống thế nào, nó có xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh hay không. “Con em chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt, đi làm cũng một phần là nhờ học thêm. Chứng tỏ nó có tác dụng chứ không phải không”, ông Long nói.

Rối bời quy định dạy thêm?

ThS Hồ Sỹ Anh, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục (Viện Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm TP.HCM) khẳng định, từ trước đến nay, hoạt động dạy thêm học thêm không bị cấm. Ngành giáo dục chỉ cấm dạy thêm trái phép. Hoạt động dạy thêm, học thêm được điều chỉnh theo Thông tư 17, áp dụng từ năm 2012.

Thông tư xác định dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học. Theo đó, hai loại hình dạy thêm, học thêm được phép hoạt động gồm dạy thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường.

Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục công lập (gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học, sau đây gọi chung là nhà trường) tổ chức. Còn “ngoài nhà trường” là do các cơ sở giáo dục không nằm trong danh sách kể trên tổ chức.

Không cấm nhưng Thông tư 17 quy định các trường hợp không được dạy thêm học thêm. Cụ thể, học sinh tiểu học và học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học hai buổi mỗi ngày không được học thêm, giáo viên không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mình đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của hiệu trưởng.

Dù vậy, sau Thông tư 17, hoạt động dạy, học thêm vẫn diễn ra lộn xộn, các lớp dạy “chui” tràn lan, hiện tượng giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình, ép học sinh đi học thêm trở nên phổ biến.

Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh lý giải, Thông tư 17 không nắm bắt nhu cầu thực tế, dẫn đến các quy định không phù hợp, không quản lý nổi các biến tướng phát sinh.

Kết quả một nghiên cứu tại 38 trường học do Viện Nghiên cứu Giáo dục thực hiện chỉ ra nguyên nhân khiến phụ huynh muốn cho con học thêm gồm: con học yếu; con chuẩn bị thi cuối cấp và vào đại học; muốn vào trường chuyên, trường điểm; học thêm để được điểm cao; do chương trình ở trường bị cắt xén.

Giáo viên dạy thêm với mong muốn cải thiện thu nhập khi đồng lương còn thấp. Tuy nhiên, quy định bắt buộc giáo viên phải đến trung tâm được cấp phép trong khi số lượng trung tâm này ít so với nhu cầu thực tế.

“Do đó, nhiều giáo viên vẫn tự tổ chức các lớp dạy thêm ở nhà hoặc ở phòng ốc thuê mướn. Biết là sai, nhưng thực tế nhu cầu lớn nên giáo viên vẫn làm, chẳng may bị kiểm tra, phát hiện thì họ chấp nhận bị kỷ luật”, ông nói.

HÀ CƯỜNG