Câu lạc bộ Sài Gòn, Cần Thơ rút khỏi giải hạng Nhất: Chuyện không thể khác
Câu lạc bộ Sài Gòn và Cần Thơ không tham dự giải hạng Nhất Quốc gia là 2023 là tin buồn, nhưng kết cục này dường như không thể tránh khỏi.
Cho đến thời điểm này, câu lạc bộ Cần Thơ không nộp đăng ký tham dự giải hạng Nhất Quốc gia 2023 và họ chấp nhận việc sẽ phải xuống chơi ở giải hạng 3 ở mùa giải tiếp theo. Trong khi đó, suất dự giải của câu lạc bộ Sài Gòn cũng được chuyển giao cho một đội bóng khác và nhiều khả năng là câu lạc bộ Lâm Đồng.
Tình cảnh không thể cứu vãn
Trước khi trở thành những “người cùng khổ”, Sài Gòn và Cần Thơ đều là những đội bóng có mức tài chính ở tầm khá và có thời điểm là “giàu có” tại V.League. Những năm 2015-2017, dù không phải “đại gia nhóm đầu” nhưng tiền cũng chưa bao giờ là vấn đề với câu lạc bộ Cần Thơ.
Với nhà tài trợ là Công ty Xổ số kiến thiết Cần Thơ, đội bóng xứ Tây Đô thoải mái mua sắm các cầu thủ có chất lượng tầm khá tốt với mức chi đủ sức thuyết phục họ chia tay các đội bóng cũ. Tuy nhiên, khi đơn vị tài trợ bị “tuýt còi” vì đầu tư ngoài ngành nghề cho phép, câu lạc bộ Cần Thơ bắt đầu trượt dài.
Tương tự như vậy, câu lạc bộ Sài Gòn chia tay bầu Hiển, chia tay bầu Bình và đến với đơn vị quản lý mới cùng nhiều hy vọng. Quả thật, mức thưởng 2 tỉ đồng cho 1 chiến thắng trong giai đoạn 2 của mùa giải 2022 khiến tất cả nghĩ về giấc mơ màu hồng cho đại diện miền Nam.
Nhưng biến cố lớn bên ngoài sân cỏ khiến nhà tài trợ cho câu lạc bộ Sài Gòn không thể đi tiếp với kế hoạch của chính mình. Thực tế, dự toán chi tiêu một mùa giải của Sài Gòn FC khi ấy lên tới 170 tỉ đồng/năm.
Số tiền này có thể khiến cho những “gã nhà giàu” như Bình Định, Nam Định và thậm chí là Hà Nội phải e sợ. Nhưng rồi, khi mọi thứ không trọn vẹn như dự tính ban đầu, tình cảnh của câu lạc bộ Sài Gòn trở nên không thể cứu vãn. Thực chất, họ chỉ còn duy nhất suất dự giải để chuyển giao cho đội bóng khác chứ không còn cầu thủ, thành viên ban huấn luyện nào cả.
Kết cục khó tránh khỏi
Nhìn lại quá trình trượt dài của Cần Thơ, Sài Gòn hay gần đây là Than Quảng Ninh, vấn đề muôn thuở với bóng đá Việt Nam là chuyện “kiếm ra tiền” lại được nhắc đến.
Hiện nay, câu lạc bộ Hà Nội của bầu Hiển và câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức bắt đầu kiếm được những khoản tiền lớn đầu tiên. Nhưng ai cũng hiểu trong 15 năm qua, 2 ông bầu tiếng tăm này từng chi bao nhiêu cho bóng đá. Con số ấy thậm chí không dưới 1.000 tỉ đồng.
Quan trọng hơn, 10 đến 15 năm là quãng thời gian tối thiểu để 1 đội bóng tạo ra nhiều thế hệ đủ sức xây dựng nên truyền thống, mang về thành tích và biến đội bóng trở thành thói quen của một bộ phận người hâm mộ.
Việc “educate consumers” – được hiểu nôm na là giải thích, tạo thói quen cho khách hàng (ở đây là khán giả) trong lĩnh vực bóng đá còn khó hơn nhiều so với nhiều hoạt động thương mại thuần tuý.
Bóng đá là câu chuyện của giá trị tinh thần, giá trị lịch sử nhưng vẫn phải đảm bảo tính giải trí. Ba bài toán song hành này khiến cho nhiều đội bóng ở Việt Nam “biến mất” chỉ vì biến cố của các ông bầu. Chẳng ai muốn tiếp nhận một “cỗ máy đốt tiền” khi không thu được lợi ích gì.
Những đội bóng ở thế yếu cần một bệ đỡ về giá trị truyền thống để các nhà tài trợ tìm cách khai thác và duy trì sự sống cho đội bóng đó. Đây là điều mà Hải Phòng, Thanh Hoá, Nam Định hay Sông Lam Nghệ An có được. Hàng chục năm hoạt động với bản sắc địa phương đậm đặc lại trở thành cứu cánh cho họ đi qua nhiều thời điểm khó khăn.
Trừ Hải Phòng, các đội bóng còn lại đều có hệ thống đào tạo trẻ tương đối tốt, liên tục có cầu thủ kế cận và đủ trình độ thi đấu V.League. Khi chi phí được giảm đi, họ cũng dễ dàng vận hành và tồn tại hơn.
Quay trở lại với câu chuyện của Cần Thơ hay Sài Gòn, yếu tố lịch sử, giải trí hay nền tảng lớp lang về chuyên môn đều là những tài sản vô hình mà họ không có được. Khi dòng tiền bị ngắt lại, xoá sổ là kết cục không thể tránh khỏi với nhóm đội bóng này bởi họ không còn chiếc mỏ neo nào giữ mình lại trước sóng gió.