Tranh cãi quanh việc NSƯT Xuân Bắc bóng gió mắng những ai chê Táo Quân
Khán giả đưa ra nhiều ý kiến trái chiều quanh bài đăng của nghệ sĩ Xuân Bắc trên trang cá nhân vào ngày mùng 2 Tết.
Bóng gió “mắng” những khán giả
Là chương trình lớn và được quan tâm đặc biệt nên “Táo Quân 2023” không thể tránh khỏi những bàn luận đến từ phía khán giả.
Tùy vào cảm nhận, góc nhìn của mỗi khán giả, từ đó sẽ có những ý kiến khen chê khác nhau.
Mới đây, NSƯT Xuân Bắc đã đăng tải một bài viết trên trang cá nhân vào ngày mùng 2 Tết, hai ngày sau khi chương trình “Gặp nhau cuối năm – Táo quân 2023” được phát sóng.
Câu chuyện của Xuân Bắc kể có tựa đề “Cái tát của mẹ”, kể chuyện một người mẹ Tết nào cũng hì hụi gói bánh chưng nhưng con trai bà, một người đàn ông đã đón hơn 50 cái Tết, giỏi chữ nghĩa, viết bài cho mấy “trang tin” và Facebook, “gói bánh (chưng) rất ngu” nhưng năm nào cũng chê bánh mẹ mình gói.
Cuối cùng anh ta nhận cái tát của mẹ rồi nghe bố giáo huấn điều hay lẽ phải. Xuân Bắc kết thúc “truyện ngụ ngôn” bằng câu “Cả nhà tôi xong bữa cơm đêm 30 vào đúng lúc kết thúc chương trình Táo quân trên VTV3”.
Câu chuyện của Xuân Bắc khiến nhiều khán giả hiểu ra hàm ý của anh khi ví người mẹ gói bánh chưng là ê kíp làm “Táo Quân”, còn người con trai hỗn láo “ăn cháo đá bát” chê bánh chưng mẹ mình gói chính là những người chê bai “Táo Quân”.
Xuân Bắc bóng gió “mắng” những khán giả, nhà báo “dám” chê “Táo Quân” trong khi năm nào cũng hóng đợi chương trình.
Khán giả phản ứng trái chiều
Ngay sau bài đăng của nghệ sĩ Xuân Bắc, nhiều ý kiến khán giả đồng ý với quan điểm của anh, nhiều bình luận được để lại như: “Hy vọng câu chuyện của Xuân Bắc dạy cho nhiều người bài học về cách hành xử, dạy cho nhiều người hãy thử đứng vào vị trí người mình định phán xét xem như thế nào”.
“Xuân Bắc rất giỏi và hài hước, viết tự nhiên như dòng đời”.
“Anh là nghệ sĩ, lại làm quản lý, chắc anh có hiểu: nghệ thuật vị nghệ thật và nghệ thuật vị nhân sinh? Nghệ thuật đích thực chỉ có thể có nếu nghệ thuật thoát khỏi mọi áp đặt về luân lý, răn dạy, hay dùng làm công cụ phục vụ bất cứ thứ gì khác ngoài chính nghệ thuật. Các anh cứ diễn thoải mái, không liên quan gì tới việc người khác mong muốn cái họ muốn”.
“Táo Quân năm nào cũng có “đặc sản” riêng của năm đó. Táo Quân luôn phản ánh tình hình xã hội (nếu ai theo dõi thời sự). Táo Quân rất hay”.
“Chưa bao giờ bình luận nhưng hôm nay em nhất định phải bình luận. Táo quân năm nay rất hay và ý nghĩa. Cảm ơn các anh em nghệ sĩ, nhà đài đã có một chương trình đặc sắc, món ăn tinh thần không thể thiếu của ngày Tết”.
Trong khi đó, nhiều ý kiến khán giả lên tiếng phản đối và tỏ ra bức xúc với bài đăng của nam nghệ sĩ như:
“Khi mà khán giả họ cảm thấy không hài lòng thì họ có quyền được lên tiếng và rồi cái họ nhận được không phải là sự cầu thị, tiếp thu mà là… 1 cái tát. Thực sự ngao ngán, các ông ảo tưởng quá rồi”.
“Nghệ sĩ, người của công chúng mà dùng từ ngữ như thế thì thật đáng thất vọng. Chứng tỏ phông văn hóa có vấn đề. Đâu phải là kiến trúc sư thì mới có quyền nhận xét nhà đẹp hay xấu, ca sĩ, nhạc sĩ thì mới có quyền khen ca khúc hay dở hoặc phải là đầu bếp thì mới được phép khen món ăn ngon dở”.
“Món lẩu thập cẩm này mà dám so với bánh chưng truyền thống à? Ảo tưởng quá đấy. Mấy năm nay món lẩu này nấu quá dở nên tôi không thèm coi nữa. Nhưng bánh chưng tôi vẫn xơi đều nhé! Nhà đài mất cả đống tiền để làm chương trình, các vị diễn thì vẫn lĩnh cát sê đều đó, không phải miễn phí đâu mà lên giọng dạy thiên hạ”.
“Thất vọng với thái độ của một nghệ sĩ lớn. Tức là công chúng không được phép chê? Ngay cả cái thô thiển như vác chuyện “lòng xào dưa” cực kì bất nhẫn lên diễn? Ngay cả chuyện năm nào cũng ví ngực phụ nữ với bưởi, mướp lên diễn. Thế ông nghệ sĩ có hình dung được cảnh công chúng người ta cảm thấy như thế nào không?”
HẢI MINH/LAODONG