Chánh Văn phòng Bộ Công an nói về áp lực khi điều tra các đại án tham nhũng
Trong thời gian qua, nhiều vụ án lớn được các lực lượng của Bộ Công an điều tra, xử lý. Có những vụ án sau một thời gian khởi tố đã được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Những vụ án có thể kể đến như: Vụ nâng giá kit test Covid-19 ở Công ty Việt Á; vụ án “chuyến bay giải cứu”. Đáng chú ý, nhiều cán bộ bị khởi tố, bắt giam khi bị cáo buộc có liên quan đến hai vụ án này.
Trước câu hỏi của PV VietNamNet về những khó khăn, áp lực khi điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an đã có những chia sẻ liên quan.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, thời gian qua, với vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lực lượng Công an nhân dân đã chủ động dự báo, nhận diện sớm, vào cuộc nhanh, phát hiện, chứng minh làm rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực được nhân dân và dư luận xã hội quan tâm.
Qua công tác điều tra, đã thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng; kiến nghị các cơ quan liên quan phòng ngừa, ngăn chặn các sai phạm tương tự và có biện pháp quản lý cán bộ, đảng viên; xác minh, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, lực lượng Công an nhân dân đã chủ động nhận diện các khâu, mắt xích có nhiều dấu hiệu tiêu cực, bước đầu chỉ ra nguyên nhân tham nhũng từ những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một số cá nhân.
Kết quả trên đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Tuy nhiên, công tác điều tra các vụ án tham nhũng của lực lượng Công an nhân dân thời gian qua cũng xuất hiện một số khó khăn.
Cụ thể, khó khăn đầu tiên là đối tượng đấu tranh của tội phạm tham nhũng có chủ thể đặc biệt, là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, am hiểu pháp luật, có tầm ảnh hưởng đến xã hội. Quần chúng nhân dân khó tiếp cận, phát hiện hoặc khi phát hiện được, muốn tố cáo cấp trên tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham nhũng thì xuất hiện tâm lý e ngại, sợ bị trù dập, trả thù dẫn đến khó khăn trong phát hiện loại tội phạm này.
Hai là, đa số các vụ án tham nhũng thường xảy ra sau một thời gian khá lâu mới bị phát hiện nên đối tượng có thời gian hợp thức hóa, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ. Hành vi tham nhũng được che đậy dưới nhiều hình thức, có nhiều thủ đoạn che giấu tinh vi gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội.
Ba là, trong các vụ án tham nhũng thường có nhiều hành vi phạm tội phải chứng minh, số lượng bị can và đối tượng liên quan lớn, rất nhiều người bị hại phải lấy lời khai ở nhiều địa phương, đặt ra yêu cầu, áp lực rất lớn cho cơ quan điều tra.
Để vượt qua những trở ngại trên, Chánh Văn phòng Bộ Công an khẳng định, trong quá trình điều tra các vụ án, chứng minh tội phạm và các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lực lượng Công an tuân thủ nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, thượng tôn pháp luật”, luôn thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị cao nhất, không ngại khó khăn, gian khổ; chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý điểm để cảnh tỉnh, răn đe chung.
Diễn biến vụ án Việt Á
Hơn một năm sau khi những sai phạm tại Công ty Việt Á bị phanh phui, C03 – Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố 29 vụ án và hơn 100 người liên quan. Trong số này có 3 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng là cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng. Nhiều lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế của 24 tỉnh, thành phố cũng bị khởi tố, tạm giam. Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng khởi tố, bắt hai sĩ quan. Sai phạm trong vụ Việt Á được coi là điển hình về “tham nhũng có hệ thống” do tính quy mô, xảy ra từ cơ quan, bộ ngành trung ương đến các địa phương. Kết quả điều tra ban đầu xác định, nhằm thu lợi bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, Công ty Việt Á chi “hoa hồng” lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng. Biến biến vụ án “chuyến bay giải cứu” Sau một năm điều tra, vụ án “chuyến bay giải cứu” xảy ra tại Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan đã có 41 người đã bị bắt. Trong đó, ông Nguyễn Quang Linh (Trợ lý của Phó thủ tướng thường trực), ông Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), ông Vũ Hồng Nam (cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản), bà Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) bị khởi tố với cáo buộc nhận hối lộ. Cuối năm 2022, Cơ quan An ninh bắt giam ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, về tội nhận hối lộ. Bộ Công an cho biết, cơ quan điều tra đã phong tỏa, kê biên, bị can nộp khắc phục hậu quả trong vụ án là 80 tỷ đồng. |